Loading...

Phỏng vấn CEO Mutosi Trần Trung Dũng (P.1): “Mang tới trải nghiệm tuyệt vời cho khách hàng sẽ giúp chúng tôi trường tồn”

Tạo ra trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng trong khi luôn tìm cách đột phá về công nghệ là hai mục tiêu lớn nhất mà CEO của Mutosi đặt ra cho công ty của mình nhằm hiện thực hoá ước mơ phát triển ngành công nghiệp nhẹ của Việt Nam sánh vai các cường quốc.

Tốt nghiệp khoa Hoá đại học Khoa học tự nhiên thuộc Đại học quốc gia Hà Nội, ông Trần Trung Dũng có nhiều năm làm việc cho các tập đoàn nước ngoài như Bayer Material Science hay General Electric của Mỹ trước khi trở thành Founder kiêm CEO của Karofi. Xây dựng thương hiệu này từ con số 0 đến doanh thu 800 tỷ/năm, anh Dũng khởi nghiệp lần nữa với Mutosi – công ty sản xuất và phân phối các mặt hàng ngành lọc nước và điện gia dụng.

Mutosi dưới sự điều hành của ông Dũng nổi tiếng với triết lý văn hoá dựa trên ba giá trị cốt lõi là Trân trọng lời nói – Trải nghiệm tuyệt vời – Tiên phong tạo đột phá. Hợp tác cùng Quỹ đầu tư Mekong Capital với khoản đầu tư 10 triệu USD, Mutosi cam kết sứ mệnh và tầm nhìn mới, chuyển mình từ doanh nghiệp sản xuất và phân phối trong ngành nước và điện gia dụng trở thành niềm tự hào của người Việt với công nghệ đột phá, mang lại trải nghiệm tuyệt vời nhất cho khách hàng và đối tác.

 

Khởi nghiệp vì niềm tự hào dân tộc

Vì sao khi đang làm ở các công ty nước ngoài và tập đoàn đa quốc gia nhiều người mơ ước, anh lại quyết định tự mình khởi nghiệp?

Chuyện này phải tính từ thời tôi học MBA ở đại học Lepzich của Đức hồi 2008-2010. Khóa luận tốt nghiệp khi ấy tôi chọn làm đề tài về nền công nghiệp phụ trợ của Việt Nam. Nhưng tìm hiểu rồi thì rất tủi thân khi biết năm 2006, Samsung vào Việt Nam để tìm kiếm doanh nghiệp có khả năng gia công ốc vít có độ chính xác cao cho điện thoại của hãng. Yêu cầu đơn giản đó lại thành bài toán khó cho hàng triệu doanh nghiệp Việt. Khi ấy ngoài cảm giác buồn, tôi còn đau đáu một cái gì đấy muốn đóng góp cho đất mẹ.

Năm 2010 cũng là thời điểm tôi đã làm 4 năm cho công ty nước ngoài, mặc dù chỉ ở cấp chuyên viên thôi nhưng chế độ đãi ngộ lại tốt quá, có có xe đưa đón riêng, tài xế riêng, thậm chí còn có cả 2 tháng lương riêng dành cho quần áo. Chính vì sướng quá mà tôi nghĩ nếu muốn làm gì đó cho ngành công nghiệp của Việt Nam thì phải làm ngay, nếu không cứ hưởng những chính sách chế độ đãi ngộ như thế chỉ cần thêm vài năm nữa thôi bản thân sẽ rất trì trệ, không dám bứt phá hay thay đổi nữa.

Bắt đầu từ ngành kỹ thuật, các công ty trước đó anh làm cũng liên quan chủ yếu đến ngành vật liệu, thậm chí đến cả nỗi đau đáu của anh với ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam cũng đến từ ngành sản xuất công nghiệp. Vậy thì vì sao anh lại chọn khởi nghiệp với máy lọc nước – thứ mà sản phẩm cuối cùng lại là hàng tiêu dùng chứ chẳng liên quan gì đến sản xuất công nghiệp cả?

Thời điểm đó tôi thấy ngành này của Việt Nam thiếu đi các doanh nghiệp có khả năng gia công, sản xuất tốt, đáp ứng được yêu cầu cao của các tập đoàn đa quốc gia. Nói đến công nghiệp nặng thì chúng ta cũng đã có Hoà Phát, Vingroup…còn ngành công nghiệp nhẹ thì chưa có những đại diện tốt như vậy.

CEO Mutosi Trần Trung Dũng: Mang tới trải nghiệm tuyệt vời cho khách hàng sẽ giúp Doanh nghiệp trường tồn - 7

Tôi nhớ năm 2017-2018, chúng tôi có triển khai một số gian hàng xuất khẩu về ngành nước ở Thượng Hải và Dubai. Lúc ấy, một khách hàng tiềm năng người Tây Ban Nha hỏi chúng tôi đến từ đâu. Sau khi nghe câu trả lời Việt Nam, họ đã hỏi lại “Việt Nam cũng làm được thế này à?” với một thái độ hơi hạ thấp về khả năng, công nghệ và nền công nghiệp của chúng ta. Điều này đã vô hình đụng chạm đến niềm tự hào dân tộc của tôi, vì thế tôi luôn mong muốn và quyết tâm phát triển thương hiệu của Việt Nam để minh chứng cho bạn bè 5 châu về công nghệ Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng để vươn xa.

Khi tìm hướng đi cho công ty, chúng tôi nhận ra nếu chỉ tham gia vào chuỗi giá trị gia công thì đóng góp của mình sẽ rất nhỏ bé, lại chỉ trong một khu vực rất hạn chế. Trong khi đó, nếu sản xuất đưa ra thị trường những sản phẩm thuộc ngành lọc nước, điện gia dụng… thì không chỉ làm đa dạng thêm sản phẩm chất lượng tốt đến từ thương hiệu Việt mà còn giúp các nhà cung cấp nằm trong ngành phụ trợ phát triển song hành.

Với một công ty, quan trọng nhất không phải là vốn

Với Mutosi, anh có lần thứ hai trở thành CEO đồng thời là nhà sáng lập một công ty. Nếu so sánh thời điểm bắt đầu với Mutosi và công ty trước đó, anh thấy mình có gì giống và khác nhau?

Giống nhau là đều cảm thấy rất háo hức, rất tràn trề năng lượng, mong làm được gì mới đóng góp thêm cho xã hội.

Còn điểm khác thì nhiều, nhất là ở mục tiêu, đam mê và tầm nhìn. Lần đầu khởi nghiệp là khi bắt đầu một thương hiệu mới, mục tiêu là đuổi theo người dẫn đầu, các thương hiệu đã thành danh trước đó, làm thế nào để cạnh tranh và khác biệt với họ. Còn bây giờ tâm thế là làm thế nào để tạo ra được sản phẩm, giá trị mang lại niềm tự hào cho người Việt, sánh vai với thương hiệu lớn toàn cầu khác và có thể đóng góp nhiều hơn cho nền công nghiệp nhẹ nước nhà.

Rõ ràng với Mutosi, khi sản phẩm đa dạng và công nghệ cũng phức tạp hơn hẳn so với công ty trước, ước mơ của anh sẽ lớn hơn?

Ước mơ của cá nhân là mong bản thân có thể tạo dựng được sự đóng góp nào đó cho nền kinh tế từ việc phát triển một thương hiệu của người Việt, đồng thời mang lại cuộc sống tốt hơn cho nhân viên và đối tác.

Với Mutosi, chúng tôi muốn đạt mục tiêu mang lại điều tốt đẹp hơn cho người tiêu dùng Việt, bởi họ xứng đáng được hưởng những dịch vụ, sản phẩm tiện nghi, an tâm và an toàn hơn cho cuộc sống, và từ đó góp phần phát triển kinh tế, xây dựng ngành công nghiệp nhẹ, công nghiệp phụ trợ cho Việt Nam, dù nhỏ nhưng sẽ chung tay góp phần nâng tầm thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế.

Mutosi đang ở năm thứ 3. Công ty này có gì khác với những gì anh đã tưởng tưởng trước đó không?

Hiện tại nó khác xa với những gì tôi đã tưởng tượng. Lúc mới thành lập, công ty còn ít vốn nên chúng tôi từng xác định không dám ước mơ gì lớn. Bản thân tôi cũng chỉ đặt ra bài toán cân đối mong muốn của cổ đông, cuộc sống nhân viên và kỳ vọng của khách hàng về sản phẩm.

Nhưng khao khát của chúng tôi lớn dần. Sau 1 thời gian ngẫm nghĩ, trao đổi cùng anh em cộng sự đồng hành, tôi nhận thấy đi làm để có được nguồn thu nhập đảm bảo cuộc sống thì không quá khó, nhưng liệu có thể mang thêm đươc nhiều giá trị đến cho những người xung quanh, cho bạn bè, cộng đồng hay xã hội nữa không?

Trong quá trình phát triển, chúng tôi có được những đối tác rất lớn, như quỹ Mekong Capital, để thay da đổi thịt, từ văn hoá doanh nghiệp, chuyển đổi số, cơ sở hạ tầng đến nghiên cứu phát triển sản phẩm mới. Thời điểm đầu, các mặt hàng của Mutosi hướng tới mục tiêu góp phần mang lại sản phẩm thực sự an toàn, yên tâm, chất lượng, tiện nghi cho người tiêu dùng, xứng đáng với mức giá họ bỏ ra. Tiếp đến Mutosi từng bước lắp ráp sản xuất linh kiện ở Việt Nam, đẩy mạnh sản phẩm made in Việt Nam và tiến tới xuất khẩu sang thị trường Đông Nam Á, Trung Đông, Bắc Mỹ và châu Âu trong thời gian sắp tới.

Đọc tiếp Phần 2




    ĐĂNG KÝ DÙNG THỬ